[In trang]
Hội thảo tham vấn chuyên sâu về các công nghệ mới trong sản xuất, lưu trữ và chuyển đổi điện năng
Thứ tư, 22/03/2023 - 16:55
Các cẩm nang này giúp cung cấp dữ liệu cập nhật, chất lượng cao, được công nhận rộng rãi, phù hợp với điều kiện cụ thể của quốc gia cho các công nghệ năng lượng chủ chốt được sử dụng cho quy hoạch năng lượng dài hạn. Đồng thời, cung cấp bộ dữ liệu cho các công nghệ cần thiết để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
Ngày 22/3, tại Hà Nội, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch tổ chức “Hội thảo tham vấn chuyên sâu về dự thảo các Cẩm nang công nghệ sản xuất điện, Cẩm nang công nghệ lưu trữ điện năng và Cẩm nang công nghệ chuyển đổi từ điện năng năng các năng lượng khác.” 
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình DEPP3).
Ông Nguyễn Tuyển Tâm, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Tuyển Tâm, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: “Cẩm nang công nghệ (CNCN) năm 2023 gồm 3 ấn phẩm: Cẩm nang công nghệ lưu trữ điện năng, Cẩm nang công nghệ lưu trữ điện năng và Cẩm nang công nghệ chuyển đổi từ điện năng sang các dạng năng lượng khác. Các cẩm nang công nghệ này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ công tác quy hoạch dài hạn ngành điện và năng lượng của Việt Nam trong tương lai theo hướng phát triển bền vững bảo vệ môi trường, giảm phát thải carbon, nhằm đạt  mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày và thảo luận về nội dung các dự thảo của từng cẩm nang. Theo đó, so với CNCN năm 2021, các cẩm nang năm nay có nhiều những thay đổi để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.
Đối với Cẩm nang công nghệ lưu trữ điện, có 7 nội dung thay đổi, cập nhật so với ấn phẩm năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là việc cập nhật công nghệ kéo dài tuổi thọ nhà máy nhiệt điện than, nhằm mục đích phục hồi nhà máy về gần hiện trạng ban đầu về mật độ khả dụng, hiệu suất, đặc tính vận hành và chi phí vận hành bảo dưỡng. Việc thực hiện trên thực tế sẽ phụ thuộc vào thiết kế cũng như tình trạng vận hành trước đó cũng như các cải tạo đã thực hiện.
Tiếp đến là công nghệ đồng đốt amoniac trong nhà máy điện than. Công nghệ này sẽ giúp giảm phát thải CO2 phụ thuộc vào nguồn gốc của amoniac, amoniac xanh là lựa chọn tốt nhất. Bên cạnh đó, công nghệ này sẽ giúp giảm SO2 và bụi do lượng than sử dụng vào ít hơn.
Nhiều đại biểu từ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đã đến tham dự hội thảo.
Công nghệ đồng đốt sinh khối trong nhà máy điện than cũng là nội dung cập nhật nhận được nhiều ý kiến tranh luận của các đại biểu tham dự hội thảo. Được biết, sinh khối thường có nhiệt trị thấp hơn giúp giảm hiệu suất lò hơi, từ đó giảm được hiệu suất tổng thể. Công nghệ này có khả năng điều chỉnh (tốc độ tăng giảm tải, tải thấp nhất, thời gian khởi động) gần như tương đương.
Công nghệ đồng đốt sinh khối giúp giảm phát thải CO2 do sinh khối được coi là trung hòa các- bon. Đồng thời viên nén gỗ và dăm gỗ thường có nồng độ lưu huỳnh và nitơ thấp hơn so với than giúp giảm phát thải SO2 và NOx” - Đại diện Viện năng lượng cho biết.
Tại Cẩm nang công nghệ lưu trữ điện phiên bản 2023 còn được cập nhật các nội dung về công nghệ đồng đốt hydro trong tuabin khí chu trình hỗn hợp; công nghệ lưu trữ CO2, cũng như những định nghĩa về điện gió gần bờ/ngoài khơi và điện hạt nhân.
Đối với cẩm nang công nghệ lưu trữ điện năng, ngoài các hình thức lưu trữ đã được áp dụng như cơ học, hóa điện, điện, hóa, nhiệt, bản cập nhật năm 2023 sẽ chú trọng bổ sung các công nghệ hiện đại như: công nghệ bánh đà; công nghệ lưu trữ năng lượng khí nén; công nghệ pin dòng ô-xy hóa khử vanadi và công nghệ lưu trữ bằng hydro.
Các công nghệ này nhận được sự quan tâm thảo luận của đông đảo đại biểu tham dự. Nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh việc các công nghệ lưu trữ này có phù hợp với bối cảnh Việt Nam hay không, cũng như việc cần xem xét một cách kỹ lưỡng nguồn gốc những dữ liệu.
Ông Stefan Petrovic, Cố vấn đặc biệt Cục năng lượng Đan Mạch chia sẻ về những nội dung đổi mới trong Cẩm nang công nghệ chuyển đổi từ điện năng năng các năng lượng khác.
Đối với Cẩm nang công nghệ chuyển đổi từ điện năng năng các năng lượng khác, có 5 công nghệ mới được đưa vào cẩm nang. Thứ nhất là công nghệ điện phân, trong đó hai công nghệ phát triển chín muồi nhất là tế bào điện phân kiềm (AEC) và tế bào điện phân màng điện phân polymer (PEMEC), gọi tắt là màng điện phân polymer (PEM)
Tiếp đến là công nghệ sản xuất Amoniac xanh tại Việt Nam, công nghệ này đã được Công ty The Green Solution (TGS) phát triển một số nhà máy sản xuất hydro và amoniac tái tạo tại Trà Vinh, Việt Nam. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ có công suất điện phân 240 MW sử dụng nguồn điện xanh từ lưới điện quốc gia Việt Nam, TGS dự kiến nhà máy sẽ có công suất sản xuất hơn 200.000 tấn amoniac tái tạo mỗi năm để xuất khẩu. Nhà máy dự kiến bắt đầu vận hành vào năm 2024.
Các ước tính chi phí đầu tư cho các nhà  máy sản xuất amoniac xanh dựa trên dữ liệu của toàn ngành vì chưa có nhà máy hoặc dự án quy mô lớn nào được hoàn thành hoặc đang hoạt động. Dữ liệu chi phí nhà máy tổng thể đã được chia sẻ theo các cấu phần chính của nhà máy để phân bổ chi phí.
Ngoài ra, cẩm nang công nghệ chuyển đổi từ điện năng năng các năng lượng khác năm 2023 sẽ bổ sung các công nghệ như: công nghệ tổng hợp methanol; công nghệ sản xuất và loại bỏ tạp chất trong khí sinh học  và công nghệ sản xuất nhiên liệu lỏng xanh thông qua quá trình tổng hợp Fischer-Tropsch.
Theo dự kiến, các Cẩm nang công nghệ lưu trữ điện năng và Cẩm nang công nghệ chuyển đổi từ điện năng năng các năng lượng khác dự kiến sẽ được hoàn thiện và công bố rộng rãi trong tháng 6 năm 2023.
Minh Khuê