[In trang]
Nhiều kết quả nổi bật trong triển khai Chương trình DEPP3 năm 2021
Thứ tư, 04/05/2022 - 16:28
Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng Chương trình DEPP3 vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 được tổ chức mới đây.
Chương trình Hợp tác đối tác năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình DEPP3) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ bao gồm 03 hợp phần. Trong đó, Hợp phần 1 - Nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn do Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì  thực hiện. Hợp phần 2 - Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện do Cục Điều tiết điện lực chủ trì. Hợp phần 3 - Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững chủ trì thực hiện.
Báo cáo về tình hình triển khai Hợp phần 1-  Nâng cao năng lực về quy hoạch ngành năng lượng dài hạn tại cuộc họp Ban chỉ đạo lần thứ nhất Chương trình DEPP3 được tổ chức ngày 19/4 vừa qua, ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết, trong năm 2021, Cục đã hoàn thành và công bố Cẩm nang công nghệ sản xuất và lưu trữ điện năng Việt Nam và Báo cáo dự báo giá nhiên liệu. Đồng thời, tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về xem xét chi phí do ô nhiễm không khí tại Việt Nam trong mô hình hệ thống năng lượng cũng như trình bày các kết quả sơ bộ của Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 tại sự kiện bên lề Hội nghị COP26. 
Cũng theo đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, trong năm 2021, đơn vị này đã hoàn thành tính toán mô hình hệ thống năng lượng, xây dựng các kịch bản cho Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 có xem xét mục tiêu đạt mức phát thải bằng 0 vào năm 2050 theo tuyên bố của Việt Nam tại Hội nghị COP26. "Chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu về các tiêu chí và quy định pháp lý nhằm thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, bao gồm nghiên cứu về mật độ công suất điện gió ngoài khơi, các phương án về phí cho thuê đáy biển, quy trình phê duyệt dự án điện gió ngoài khơi và đề xuất định nghĩa "điện gió ngoài khơi thực sự" tại Việt Nam" - ông Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.
Toàn cảnh buổi họp
Chia sẻ về các kết quả đạt được của Hợp phần 2 – Nâng cao năng lực tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện, ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho hay, Cục đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất quy định nối lưới cho các hệ thống lưu trữ năng lượng và hệ thống điện mặt trời quy mô nhỏ. Bên cạnh đó, Cục đã hoàn thành báo cáo về hiện trạng và các khuyến nghị về điều chỉnh phụ tải theo nhu cầu và báo cáo đưa ra các khuyến nghị về cải thiện công tác dự báo. 
Ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng, Cục điều tiết điện lực.
Đối với Hợp phần 3 - Phát triển carbon thấp trong ngành công nghiệp do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triền bền vững chủ trì thực hiện, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng cho biết: "Chúng tôi đã hoàn thành khảo sát và kiểm toán năng lượng tại một số doanh nghiệp ngành nhựa để đánh giá mức độ tuân thủ quy định về định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa theo Thông tư 38/2016/TT-BCT. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã hoàn thành báo cáo đánh giá bối cảnh Việt Nam để xây dựng các cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp, phân tích kinh tế - xã hội và tác động của việc triển khai cơ chế thỏa thuận tự nguyện trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam".
 Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương.
Ngoài ra, đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cũng thông tin thêm, trong khuôn khổ Chương trình DEPP3, năm 2021, đơn vị này đã hoàn thành việc xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật cho ngành nhựa, trong đó giới thiệu các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam - Đan Mạch về Hợp tác phát triển trong Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 đã được ký kết chính thức ngày 28/10/2021. Tính đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của dịch Covid-19 nhưng nhìn chung, các đơn vị tham gia đều cố gắng nỗ lực, vượt qua khó khăn để hoàn thành các nội dung theo kế hoạch.
Ông Nadeem Niwaz – Quản lý dự án quốc gia, Cục Năng lượng Đan Mạch nhìn nhận, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, làm giảm tiến độ chung của Chương trình nhưng đây chính là những thử thách để Chương trình tiếp tục phát triển hơn nữa.
Ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của các đơn vị tham gia Chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị các bên liên quan cần phải tập trung vào lộ trình thực hiện của Chương trình, khắc phục những tồn tại trong năm 2021. Đồng thời, cần thực hiện đúng kế hoạch của năm 2022 đề ra với các hợp phần, góp phần sớm đưa Việt Nam đạt được cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.
“Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025” (Chương trình DEPP3) là dự án hỗ trợ kỹ thuật do Chính phủ Đan Mạch tài trợ có tổng nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại là 60,29 triệu Krone Đan Mạch (DKK) (tương đương 8,96 triệu USD). Chương trình DEPP3 được thiết kế nhằm tiếp tục phát huy các kết quả hợp tác đạt được giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng giai đoạn trước thông qua “Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2017 - 2020” (Chương trình DEPP2), được triển khai thực hiện từ tháng 12 năm 2017 đến hết tháng 10 năm 2020.
Nhật Quang