Hoạt động
Ban Chỉ đạo Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam VEPG họp phiên thứ 7
08:11 - 17/03/2023
Chiều ngày 16/03, tại Bộ Công Thương đã diễn ra phiên họp lần thứ 07 Ban Chỉ đạo Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG).
Đây là phiên họp có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết và đánh giá lại các kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VEPG) và các nhóm Công tác kỹ thuật trong năm 2022; trình bày nội dung hoạt động, kế hoạch triển khai các chương trình, dự án của VEPG trong năm 2023 và giai đoạn tổng thể 2023 – 2027.
Toàn cảnh phiên họp
Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, ông Giorgio Aliberti - Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của VEPG.
Mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã chia sẻ một số đánh giá về các hoạt động mà VEPG triển khai trong năm 2022 vừa qua, đặc biệt là của các Nhóm Công tác Kỹ thuật khi đã có những hoạt động cụ thể, đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam. Trong giai đoạn năm 2022, cùng với 2 nhóm Công tác Kỹ thuật trước đó là Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng, Bộ Công Thương và Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) đã nhất trí lập ra 3 nhóm công tác kỹ thuật mới: Công tác kỹ thuật về Quy hoạch chiến lược ngành điện, Công tác kỹ thuật về Tích hợp lưới điện và cơ sở hạ tầng lưới điện, Công tác kỹ thuật về thị trường năng lượng. Dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng các nhóm công tác kỹ thuật trong năm 2022 đã hoàn hành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các đơn vị, của Bộ Công Thương và tinh thần hợp tác tích cực của các bên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An (trái) phát biểu tại phiên họp.
Thông qua phiên họp này, Thứ trưởng Đặng Hoàng An mong muốn các đơn vị tham gia phiên họp có những ý kiến đóng góp để nâng cao hiệu quả và sự phát triển của VEPG – một diễn đàn quan trọng đối với Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển các ngành năng lượng tái tạo, đưa VEPG trở thành một diễn đàn chính sách năng lượng tiêu biểu tại Việt Nam.
Đánh giá cao những nỗ lực của VEPG trong năm 2022, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio AIiberti chia sẻ, trong thời gian tới để hiện thực hóa phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, Liên minh châu Âu cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, tập trung đặc biệt vào việc cải cách từng lĩnh vực năng lượng, cắt giảm dần điện than. Mục tiêu đến năm 2040 Việt Nam sẽ cắt giảm điện than và sử dụng các nguồn năng lượng bền vững hơn.
Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio AIiberti.
“Đây là một thách thức không chỉ ở châu Âu mà còn cả ở châu Á trong đó có Việt Nam, do đó chúng tôi rất vui được chia sẻ những kinh nghiệm của chúng tôi đã trải qua với Việt Nam. Chúng tôi cũng đã ký thông qua khoản hỗ trợ 2 triệu USD hỗ trợ cho chương trình chuyển dịch năng lượng, 4 biện pháp bổ sung trị giá 21 triệu Euro và mục tiêu của các hoạt động này nhằm tăng cường hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu năng lượng và cải thiện hệ thống lưới điện ở Việt Nam…” – ông Giorgio AIiberti nhấn mạnh.
Đồng quan điểm với Đại sứ Giorgio AIiberti, bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò và những hoạt động mà VEPG đã triển khai trong năm 2022 vừa qua. "Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam VEPG là một trong những tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, xây dựng các chính sách, kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, hướng tới hiện thực hóa mục tiêu “Net Zero” vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam tại COP 26" - bà Carolyn Turk chia sẻ.
Bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Đại diện Ngân hàng thế giới cũng cam kết sẽ luôn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc quy hoạch và phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam, cũng như giảm dần tỉ lệ của nhiệt điện than trong cơ cấu năng lượng. Đồng thời, Ngân hàng Thế giới cũng mong muốn được hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của các ngành kinh tế ngoài nhà nước, đặc biệt là kinh tế tư nhân trong việc phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Về nhiệm vụ trọng tâm của VEPG trong năm 2023, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị phía các đối tác tăng cường hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các thỏa thuận chuyển dịch năng lượng, đặc biệt là Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng JETP giữa Việt Nam và Nhóm Đối tác Quốc tế (IPG) gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italia, Nhật Bản, Đan Mạch… Bên cạnh đó, cần tập trung thực hiện hiệu quả một số vấn đề như: Cơ chế DPPA, chuyển đổi năng lượng, công nghệ lưu trữ, công nghệ sản xuất hydro xanh và các điều kiện cần thiết của thị trường carbon.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là đầu mối kiểm tra, rà soát sự tham gia của các bộ, ngành, các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân vào diễn đàn VEPG; đề nghị Ban Thư ký VEPG tạo ra khung quy chiếu để điều phối các dự án, đối tác tham gia vào VEPG.
Quang Ngọc
Tin mới
Tham vấn dự thảo quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành nhựa
08:38 - 10/10/2024
-
Giới thiệu bộ ấn phẩm của Chương trình DEPP3
09:29 - 13/09/2024
-
Tập huấn sử dụng công cụ xây dựng sơ đồ năng lượng
10:47 - 19/08/2024
Xem thêm
-
Tham vấn dự thảo quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành nhựa
08:38 - 10/10/2024
-
Tập huấn sử dụng công cụ xây dựng sơ đồ năng lượng
10:47 - 19/08/2024
-
Tọa đàm kỹ thuật tham vấn về các phát hiện và sản phẩm của VAS
08:30 - 27/06/2024