Hợp phần 2

Chương trình đào tạo về an ninh mạng và bảo mật trong hệ thống điện

13:36 - 25/04/2024

Ngày 24-26 tháng 4 năm 2024, tại thành phố Hạ Long, đã diễn ra Chương trình đào tạo về an ninh mạng và bảo mật trong hệ thống điện. Chương trình có sự tham gia của gần 50 đại diện đến từ Tập đoàn điện lực Việt Nam, các Tổng công ty điện lực, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các nhà máy điện và các đơn vị thành viên khác thuộc EVN. Hoạt động thuộc khuôn khổ Hợp phần 2 của Chương trình DEPP3.

Trong khuôn khổ Chương trình đào tạo, các đại biểu đã được nghe trình bày, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức liên quan đến các vấn đề cốt lõi của an ninh mạng cho hệ hống điện, gồm: tổng quan về an ninh mạng; thách thức trong bảo mật công nghệ; hệ thống tiêu chuẩn, hướng dẫn về an ninh mạng; khung pháp lý; quản lý rủi ro; an ninh hệ thống IT/OT; vận hành hệ thống bảo mật...
Mở đầu Chương trình, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực ông Nguyễn Thế Hữu cho biết: “An ninh mạng đang ngày càng trở nên quan trọng, góp phần bảo đảm duy trì hệ thống năng lượng tin cậy, an toàn và liên tục, đặc biệt với xu hướng hiện nay về việc tăng cường tích hợp các nguồn năng lượng phân tán trong hệ thống điện.”
Gần đây, tấn công mạng đang ngày càng leo thang và trở thành vấn đề được các cơ quan, tổ chức quan tâm. “Cuộc cách mạng chuyển đổi số với những thiết bị công nghiệp được kết nối thông qua hệ thống mạng là môi trường thuận lợi cho tin tặc thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích. Việt Nam đang hướng đến chuyển đổi số và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Việc tiến tới kết nối và nâng cấp hệ sống cơ sở hạ tầng là điều không thể tránh khỏi”, Phó Cục trưởng ERAV chia sẻ.
Các đại biểu sôi nổi trao đổi, chia sẻ ý kiến tại chương trình.
Trong thời gian tới, hệ thống điện Việt Nam phát triển mạnh mẽ và sẽ có hàng ngàn Megawatt năng lượng tái tạo kết nối vào lưới điện thông minh. Ứng dụng công nghệ thông tin với trình độ số hóa, tự động hóa cao trong quản lý, vận hành hệ thống điện, yêu cầu tăng cường tính bảo mật và an ninh hệ thống. Điều này đòi hỏi nâng cấp cả về cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng đội ngũ kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Chương trình đào tạo này là cơ hội để chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế quý báu, các giải pháp ứng dụng trong mạng lưới các cán bộ vận hành hệ thống điện. Bên cạnh đó, Chương trình cũng nhằm khuyến khích các đơn vị, cá nhân tăng cường nghiên cứu, cập nhật các giải pháp nhằm cải thiện lưới điện nhằm đáp ứng các yêu cầu vận hành hệ thống điện có tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo cao và an ninh, an toàn.
Các đại biểu tham dự là đại diện đến từ Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), các Tổng công ty điện lực, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia, các nhà máy điện và các đơn vị thành viên khác thuộc EVN.
Ông Emil Ravn Anderson, Cố vấn phòng ngừa rủi ro – Chuyên gia của Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) chia sẻ an ninh mạng, bảo mật và phòng ngừa rủi ro là những vấn đề tối quan trọng của hệ thống điện hiện đại. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống điện, Đan Mạch đã phát triển hệ thống quy định và nguyên tắc cho các hoạt động liên quan, như đấu thầu về an ninh mạng, bảo mật, xây dựng và luyện tập các kịch bản ứng phó khẩn cấp và khủng hoảng...
Đan Mạch là quốc gia có hệ thống điện thuộc hàng tiên tiến nhất thế giới với tỷ trọng năng lượng tái tạo ngày càng cao, lên đến 81% gồm cả năng lượng gió, điện mặt trời và sinh khối... Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng năng lượng tái tạo của hệ thống điện Đan Mạch có thể đạt 117% . Chương trình đào tạo được thiết kế với nhiều nội dung thiết thực liên quan đến vấn đề an ninh mạng và bảo mật, nhằm cung cấp các kiến thức cập nhật, kinh nghiệm ứng dụng các giải pháp, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ vận hành hệ thống điện hướng đến việc đảm bảo an ninh cho hệ thống điện.
Chương trình DEPP3

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025

Văn phòng BQL dự án Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch
Địa chỉ: Phòng 318, Tầng 3, Nhà B, 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 2220 5528

© DEPP 3 | 2021