Hợp phần 2

Hội thảo “Tăng cường tính linh hoạt trong vận hành các nhà máy điện tại Việt Nam"

16:06 - 28/07/2023

Sáng ngày 28/7/2023, tại Hà Nội, Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương đã phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tăng cường tính linh hoạt trong vận hành các nhà máy điện tại Việt Nam”.

Sự kiện nhằm trình bày các kết quả và khuyến nghị của nghiên cứu về đánh giá tiềm năng vận hành linh hoạt các nhà máy điện than tại Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình DEPP3).
Toàn cảnh hội thảo
​Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam đã xây dựng một lộ trình để đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thể hiện trong Quy hoạch Phát triển điện quốc gia VIII mới được phê duyệt gần đây. Các mục tiêu chính sách về tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) biến động đang thách thức việc vận hành hệ thống điện theo cách truyền thống, đồng thời khiến vai trò của các nhà máy nhiệt điện ngày càng trở nên quan trọng. Do tính chất biến động của các nguồn NLTT, các nhà máy nhiệt điện cần thực hiện các giải pháp điều chỉnh công suất phát như cải tiến tốc đột tăng giảm công suất phát, giảm mức phụ tải tối thiểu và giảm chi phí khởi động để phù hợp với sản lượng phát không ổn định của các nguồn NLTT. Đây là các giải pháp cơ bản nhất để gia tăng mức độ vận hành linh hoạt của các nhà máy điện. 
Ông Trần Tuệ Quang - Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực – Bộ Công Thương phát biểu khai mạc.
Trong khuôn khổ Chương trình DEPP3, Cục Năng lượng Đan Mạch và Cục Điều tiết điện lực đã phối hợp thực hiện nghiên cứu đánh giá tiềm năng vận hành linh hoạt các nhà máy điện than của Việt Nam. Báo cáo đánh giá đề xuất những hạng mục nâng cấp mà các nhà máy điện cụ thể có thể thực hiện nhằm tăng cường vận hành linh hoạt nhà máy và chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch giúp các nhà máy điện của Việt Nam giảm mức phụ tải tối thiểu từ 50-70% xuống 20-25% và tăng công suất phát từ 1%/phút lên 4%/phút. 
“Tôi hy vọng những trao đổi chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo ngày hôm nay sẽ là cơ sở để chúng ta tiếp tục xác định những nội dung cần thiết phải thảo luận xây dựng trong thời gian tới và để góp phần tăng cường vận hành linh hoạt của nhà máy điện tại Việt Nam” - ông Trần Tuệ Quang chia sẻ. 
Tại sự kiện, các đại biểu đã lắng nghe ông Nguyễn Quốc Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia chia sẻ về những thách thức về NLTT vào hệ thống điện và vai trò của các nhà máy nhiệt điện trong điều độ hệ thống điện. Theo ông Nguyễn Quốc Trung, trong thời gian phụ tải thấp như dịp lễ tết, hệ thống điện Việt Nam đã phải đối mặt với vấn đề quán tính hệ thống thấp vào buổi trưa khi năng lượng mặt trời phát ra cực đại trong khi các tổ máy phát điện truyền thống phải ngừng/giảm công suất do nhu cầu phụ tải thấp. Bên cạnh đó, các nguồn NLTT có sai số dự báo cao hơn các nguồn điện khác, gây nên tình trạng mất cân bằng và khó khăn trong vận hành hệ thống điện. Một khó khăn khác có thể kể đến là hiện nay, cơ chế khuyến khích các dịch vụ phụ trợ chưa hấp dẫn, từ đó thiếu nguồn dự trữ để đáp ứng sự bất định của NLTT.
Ngoài thách thức trong vận hành hệ thống điện, các thách thức trong cách thức vận hành thị trường điện cũng được đại diện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia chia sẻ. 
Ngoài thách thức trong vận hành hệ thống điện, các thách thức trong cách thức vận hành thị trường điện cũng được ông Nguyễn Quốc Trung Đại điện Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia chia sẻ. 
Ở vị trí nhà quản lý, ông Nguyễn Quốc Trung cho rằng, để vận hành linh hoạt các nhà máy nhiệt điện, cần giảm thời gian tối thiểu mà nhà máy phải tiếp tục chạy sau khi khởi động hoặc phải duy trì dừng sau khi ngừng máy, giúp nhà máy phản ứng nhanh hơn. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện đều trải qua tình trạng suy giảm suất hao khí phát công suất thấp, do đó cải thiện điều này là một yếu tố quan trọng để tăng tính linh hoạt. Đồng thời, vận hành các nhà máy nhiệt điện ở mức công suất thấp hơn giúp tăng vùng hoạt động, tăng tính linh hoạt...
Cũng tại Hội thảo, ông Trần Đình  Ân - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện 3 đã trình bày tính khả thi kỹ thuật của vận hành linh hoạt các nhà máy nhiệt điện và các rào cản đối với việc tăng cường vận hành linh hoạt các nhà máy điện. Điển hình như tại các nhà máy điện tuabin khí chu trình hỗn hợp Phú Mỹ, từ 2021, các tổ máy tuabin khí đã được huy động công suất thấp và Daily Start/Stop nhiều để hỗ trợ NLTT. Các khó khăn gặp phải là số lần khởi động vượt xa thiết kế; Chi phí O&M tăng cao nhưng chưa được tính đủ trong PPA; Tiềm ẩn hư hỏng thiết bị không kiểm soát được. Trước tính hình đó, một số giải pháp được đưa ra là: Sửa chữa bảo dưỡng theo RCM; Tăng vật tư dự phòng; Tăng chi phí mua bảo hiểm; Đẩy mạnh nâng cấp thiết bị; Sớm triển khai áp dụng các loại hình phát điện linh hoạt (ICE, Aeroderivative...)
Ông Trần Đình  Ân - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát điện 3
Hay đối với Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1 sử dụng lò hơi CFB, một số rào cản đặt ra trong vận hành linh hoạt là lò CFB sử dụng than Anthracite nên khó giảm công suất không kèm dầu; Công suất thấp dẫn đến hiệu suất giảm, SHN tăng gây lỗ chi phí nhiên liệu…
Tổng kết những vấn đề đặt ra, đại diện Tổng công ty Phát điện 3 đã đề xuất một vài kiến nghị như cần tiếp tục hỗ trợ từ các tổ chức có kinh nghiệm để nghiên cứu, xây dựng phương án có tính khả thi. Đồng thời, việc giảm công suất tối thiểu không đốt kèm dầu phải có giải pháp kiểm soát được UBC trong tro xỉ đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu thụ. Về vấn đề tài chính, cần có cơ chế cho phép thu hồi qua giá điện các chi phí đầu tư cải tạo, nâng cấp thiết bị để đáp ứng vận hành linh hoạt. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ về giá điện trong các thời điểm huy động vận hành linh hoạt để đảm bảo thu hồi chi phí biến đổi thực tế (cao hơn nhiều so với PPA được tính toán ở công suất bình quân 85% RO).
Đại biểu tham dự
Về phía Đan Mạch, ông Loui Algren - Quản lý chương trình quốc gia, Cục Năng lượng Đan Mạch đã chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về tính linh hoạt của các nhà máy nhiệt điện. Ông Loui Algren cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu từ những năm 1990, khoảng 25, 30 năm trước trong một tình huống tương tự như Việt Nam hiện nay với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng phụ tải cơ bản và hầu như không có NLTT. Nhưng sau đó, dần dần chúng tôi bắt đầu bổ sung thêm NLTT, cũng tương tự như những gì Việt Nam đã làm trong ba năm qua. 
Song song đó, chúng tôi đã bắt đầu thị trường điện, tạo động lực cho các nhà máy điện hoạt động khi giá cao và đóng cửa khi giá chậm và khi càng có nhiều NLTT được thêm vào hệ thống thì giá càng dao động. Điều đó có nghĩa là những nhà máy điện này họ thực sự có thể kiếm được nhiều tiền bằng cách sản xuất tối đa khi giá cao nhưng cũng tránh bị lỗ khi giá chậm…”  
Ông Loui Algren - Quản lý chương trình quốc gia, Cục Năng lượng Đan Mạch
Ngoài ra, các đại biểu cũng được lắng nghe những bài tham luận khác như: Kinh nghiệm của Đan Mạch trong vận hành linh hoạt các nhà máy điện; Mức độ linh hoạt của các nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam; Các biện pháp khuyến khích vận hành linh hoạt các nhà máy nhiệt điện tại Đan Mạch và Việt Nam; Kinh nghiệm từ Ấn Độ: Khung chính sách được áp dụng để tăng cường vận hành linh hoạt các nhà máy điện; Kiểm tra kỹ thuật nhằm tăng cường vận hành linh hoạt các nhà máy điện… Những báo cáo, nội dung được trao đổi trong hội thảo là tiền đề giúp tăng cường vận hành linh hoạt hệ thống năng lượng Việt Nam trong tương lai. 
Một số hình ảnh tại Hội thảo: 
Bài/ảnh: Phương Loan

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025

Văn phòng BQL dự án Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch
Địa chỉ: Phòng 318, Tầng 3, Nhà B, 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 2220 5528

© DEPP 3 | 2021