Hợp phần 2

Trao đổi kinh nghiệm quốc tế về việc tuân thủ quy định đấu nối

16:42 - 05/04/2024

Trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025 (DEPP3), chiều 5/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế về việc tuân thủ quy định đấu nối”.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), đại diện Cơ quan Năng lượng Đan Mạch, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia Việt Nam; Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia Ấn Độ, cùng nhiều đại diện đến từ các Bộ, ngành, đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế, các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu. 
Hiện nay, năng lượng tái tạo đang được đẩy mạnh ở các nước đang phát triển nhằm đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng cần thiết, hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu, cũng như thúc đẩy phát triển bền vững. Do đó, việc tuân thủ các quy định kết nối của các nhà máy năng lượng tái tạo là rất quan trọng để tích hợp suôn sẻ năng lượng tái tạo vào lưới điện. Tỷ lệ năng lượng tái tạo ngày càng tăng trong lưới điện của các quốc gia đòi hỏi phải tập trung hơn vào việc xác minh sự tuân thủ trong quá trình kết nối và trong suốt vòng đời của nhà máy. 
Trên cơ sở đó, Hội thảo tổ chức nhằm tạo điều kiện trao đổi thực tiễn giữa các nhà vận hành hệ thống và cơ quan quản lý trong nước và quốc tế  trong việc vận hành hệ thống đấu nối nhằm gia tăng hiệu quả chuyển đổi năng lượng cho hệ thống điện của Việt Nam.
Đại diện Cơ quan năng lượng Đan Mạch trao đổi trực tuyến về sự tuân thủ của nhà máy trong hệ thống điện Châu Âu
Tại Hội thảo, đại diện Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (EVN) đã giới thiệu sơ lược về tình trạng tuân thủ các quy định đấu nối của các nhà máy ở Việt Nam cũng như cơ sở pháp lý và công cụ sẵn có để các nhà máy có thể tuân thủ sau kết nối. Theo đó, các nhà máy năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật bao gồm: khả năng điều chỉnh công suất phản kháng, chế độ điều khiển điện áp, đáp ứng điều tần sơ cấp, duy trì vận hành phát điện theo dải điện áp và dải tần số, khả năng bơm dòng điện phản kháng khi có sự cố, khả năng phục hồi công suất tác dụng sau khi sự cố được loại trừ, duy trì vận hành phát điện theo dao động góc pha điện áp, khả năng đáp ứng độ biến thiên tần số, kết nối AGC, chất lượng điện năng,...
Theo thông tin từ Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, năm 2023, tổng sản lượng điện của Việt Nam là 282.350 GWh, trong đó:
- Nhiệt điện than: 130.196 GWh (46,2%)
- Thuỷ điện: 80.609 GWh (28,5%)
- Tua bin khí + Dầu: 27.222 GWh (9,6%)
- Năng lượng tái tạo: 39.680 GWh (14,1%)
- Nguồn khác: 4.643 GWh (1,6%)
Hội thảo cũng dành thời gian để ông Rahul Shukl - Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Ấn Độ (NLDC) tóm tắt quá trình tăng trưởng nguồn năng lượng tái tạo tại Ấn Độ. Đồng thời, chia sẻ những thách thức chính về kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Ấn Độ.
Với việc chuyển đổi sang hệ thống có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao, buộc các nhà máy năng lượng tái tạo cần được trang bị hàng loạt các dịch vụ cần thiết về độ tin cậy như quán tính, điều tần và điện áp, hỗ trợ khôi phục hệ thống, giảm dao động điện, nguồn điện ngắn mạch, v.v. để cung cấp các dịch vụ lưới điện thiết yếu”, ông Rahul Shukl nhấn mạnh.
Đại diện trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Ấn Độ chia sẻ trực tuyến những thách thức chính về kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Ấn Độ.
Với tư cách là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng lượng tái tạo nhanh trên thế giới, đại diện Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia Ấn Độ đã đề xuất một số biện pháp liên quan để phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam. Trong đó, chú trọng việc cập nhật thường xuyên các quy định và tiêu chuẩn; quy hoạch truyền tải điện; cũng như đề xuất xây dựng năng lực thể chế.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện đến từ Công ty điện lực quốc gia Nam Phi Eskom cũng đã chia sẻ góc nhìn của Nam Phi về các quy định pháp luật, mục tiêu, quá trình phát triển quy định về nối lưới tại quốc gia này. Đồng thời, chỉ ra cách xác minh tuân thủ Quy định về nối lưới trong bối cảnh của Nam Phi, cũng như khả năng vượt qua sự cố điện áp và các vấn đề xác thực mô hình EMT.
Cuối Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tham gia thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong quá trình cân bằng và chuyển đổi năng lượng. Những nội dung của các bài thuyết trình và thảo luận tại Hội thảo sẽ được tổng hợp thành một chương trong một báo cáo góp phần hoàn thiện Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2020 - 2025.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Đại diện Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia Việt Nam tham luận tại Hội thảo
Minh Khuê

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025

Văn phòng BQL dự án Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch
Địa chỉ: Phòng 318, Tầng 3, Nhà B, 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 2220 5528

© DEPP 3 | 2021