Chính sách
Thúc đẩy hợp tác Đan Mạch và Việt Nam trong phát triển điện gió
08:16 - 06/11/2023
Đây là nội dung đáng chú ý được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, tại cuộc tiếp sáng 2/11.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu của Đan Mạch trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, là quốc gia tiên phong trong phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới. Việt Nam hoan nghênh những đối tác có thực tiễn, kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để hiện thực hóa Thỏa thuận quan hệ chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam với các nước G7 và đối tác.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Quá trình thực hiện thí điểm những dự án đầu tiên trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp Chính phủ Việt Nam định hình chính sách, kế hoạch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dự án tiếp theo - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Cảm ơn Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dành thời gian tiếp, Đại sứ Nicolai Prytz cho biết, việc hai Thủ tướng Việt Nam, Đan Mạch thông qua Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược xanh Việt Nam - Đan Mạch (ngày 1/11/2023) sẽ mở ra không gian hợp tác mới giữa hai chính phủ, cũng như khối tư nhân trong phát triển xanh về năng lượng, công nghệ, tài chính, tăng cường năng lực xây dựng thể chế, kiến tạo môi trường pháp lý…
Hiện nay, một số doanh nghiệp của Đan Mạch đang đánh giá, khảo sát, nghiên cứu khả thi, tìm kiếm đối tác đầu tư cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với giá thành phù hợp, tạo công ăn việc làm, phát triển công nghiệp địa phương.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam hoan nghênh những đối tác có thực tiễn, kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo như Đan Mạch - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Sau khi nghe đại diện tập đoàn điện gió ngoài khơi CIP (Đan Mạch) báo cáo, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương làm việc với Tập đoàn CIP, sớm lựa chọn doanh nghiệp đối tác phù hợp ở Việt Nam để nhanh chóng triển khai những bước đi đầu tiên trong "thiết kế" mô hình hợp tác; phương thức quản trị; cơ chế huy động nguồn lực chính phủ và tư nhân; tính toán hiệu quả kinh tế; các chính sách cần thiết kèm theo; yêu cầu lưới truyền tải điện; định hướng hình thành hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo…
Theo Phó Thủ tướng, quá trình thực hiện thí điểm những dự án đầu tiên trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp Chính phủ Việt Nam định hình chính sách, kế hoạch, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai các dự án tiếp theo.
Trong đó, quan trọng nhất là phải hình thành cơ chế Chính phủ đi trước, kể cả tài chính, theo sau là khối tư nhân, để các nước phát triển và đang phát triển đều đạt được mục tiêu toàn cầu về chuyển đổi năng lượng công bằng, giảm phát thải ròng khí nhà kính bằng 0.
"Thành công của dự án hợp tác giữa CIP và đối tác doanh nghiệp Việt Nam sẽ là hành động hiện thực hóa các cam kết, thỏa thuận về năng lượng tái tạo không chỉ giữa Việt Nam và Đan Mạch mà là cả trong khuôn khổ JETP", Phó Thủ tướng nói.
Theo baochinhphu.vn
Tin mới
Tham vấn dự thảo quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành nhựa
08:38 - 10/10/2024
-
Giới thiệu bộ ấn phẩm của Chương trình DEPP3
09:29 - 13/09/2024
-
Tập huấn sử dụng công cụ xây dựng sơ đồ năng lượng
10:47 - 19/08/2024
Xem thêm
-
Petrovietnam và Tập đoàn Đan Mạch hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo
13:47 - 11/03/2024
-
Thúc đẩy hợp tác Đan Mạch và Việt Nam trong phát triển điện gió
08:16 - 06/11/2023