Phát triển carbon thấp trong công nghiệp

Tham vấn dự thảo quy định định mức sử dụng năng lượng trong ngành nhựa

08:38 - 10/10/2024

Sáng ngày 9 tháng 10 năm 2024, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Tọa đàm kỹ thuật “Tham vấn dự thảo quy định định mức sử dụng năng lượng cho ngành nhựa giai đoạn đến năm 2030”.

Chương trình được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham gia của đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương), Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch 2020-2025 (Chương trình DEPP3), Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Công ty Viegand Maagoe, các công ty kiểm toán năng lượng trong nước, các doanh nghiệp ngành nhựa và chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và tiết kiệm năng lượng.
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Ngành nhựa là một trong những ngành tiêu thụ năng lượng lớn và phát triển nhanh theo từng năm, tiêu thụ khoảng 5-7 tỷ kWh điện/năm. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến các sản phẩm xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, doanh nghiệp nhựa Việt Nam buộc phải thay đổi và tuân thủ các cam kết toàn cầu để thích ứng với những thị trường khó tính như EU, Mỹ.
Ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương phát biểu khai mạc Chương trình.  
Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam, hiện Việt Nam đang có 4.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa. Trong đó, chỉ có 10% doanh nghiệp có quy mô lớn, chiếm hơn 70% tổng doanh thu toàn ngành. Trong các năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu nhựa đến trên 160 thị trường trên toàn thế giới. Do đó, để bắt kịp với nhu cầu của thị trường, ngành nhựa Việt Nam đang chuyển hướng sang phát triển bền vững, tập trung vào sử dụng nguyên liệu tái chế, sản xuất sản phẩn thân thiện với môi trường như các sản phẩm có nhãn sinh thái hoặc thiết kế sinh thái.
Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam trình bày về tổng quan ngành nhựa.  
“Việt Nam cần phát triển hạ tầng tái chế để phù hợp với tiêu chí quốc tế, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào, đòi hỏi Việt Nam phải phát triển hình thức tái chế phù hợp đến các vùng sâu, vùng xa thay vì chỉ tập trung ở các thành phố có nguồn phát thải rác lớn. Ngoài ra, cần ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống phân loại tại nguồn, xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom và các trung tâm phân loại để góp phần xây dựng nền kinh tế bền vững và tuần hoàn”, bà Huỳnh Thị Mỹ cho biết. 
Chia sẻ về các cơ hội tiết kiệm năng lượng trong ngành nhựa, ông Christian Jensen, chuyên gia của Công ty Viegand Maagoee cho biết: Ngành nhựa là ngành có tiềm năng tiết kiệm năng lượng lớn trên toàn cầu, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Doanh nghiệp có thể thiết lập vòng lặp tái chế khép kín, sử dụng các vụn cắt gọn, phế liệu và rác thải, giúp tiết kiệm nguyên liệu đầu vào; tận dụng nhiệt thải để gia nhiệt sơ bộ các hạt nhựa giúp giảm tiêu thụ năng lượng và đồng thời cải thiện chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, trong ngành nhựa, các hệ thống làm mát, hệ thống máy nén khí, thông gió là các thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng trong quy trình sản xuất, yêu cầu các doanh nghiệp ngành nhựa cần tìm ra các giải pháp nhằm tối ưu hóa hiệu quả năng lượng trong các quy trình trên.
Ông Christian Jensen, đại diện Công ty Viegand Maagoe trình bày về các cơ hội tiết kiệm năng lượng trong ngành nhựa.
Nằm trong hoạt động của Chương trình DEPP3, Bộ Công Thương đã phối hợp với các chuyên gia Đan Mạch xây dựng bộ tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật, Cẩm nang công nghệ hướng dẫn sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, trong đó bao gồm Cẩm nang công nghệ tiết kiệm năng lượng cho hệ thống làm mát, máy nén khí và thông gió...Đây sẽ là bộ tài liệu giúp doanh nghiệp ngành nhựa và các doanh nghiệp công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm thất thoát năng lượng trong các quy trình sản xuất, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đạt được các yêu cầu về tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon của khách hàng.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hợp phần 3 của Chương trình DEPP3, Bộ Công Thương phối hợp với Đại sứ Quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch triển khai thí điểm “Chương trình thỏa thuận tự nguyện về sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng và hiệu quả trong các ngành năng lượng tiêu thụ nhiều năng lượng tại Việt Nam” (Chương trình VAS) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp có cơ hội tìm kiếm các giải pháp và thực hiện đầu tư dự án cụ thể về tiết kiệm năng lượng.
Ông Jorgen Hvid, Cố vấn dài hạn của Chương trình DEPP3 giới thiệu về Chương trình VAS và bộ ấn phẩm của Chương trình DEPP3. 
Bên cạnh đó, một trong các nhiệm vụ của Chương trình VNEEP 3 là rà soát, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ), bao gồm xây dựng, sửa đổi quy định định mức tiêu hao năng lượng cho các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng tại Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, cũng như phù hợp với xu thế phát triển và tiêu thụ năng lượng của ngành, Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng . 
Cụ thể, Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Hiệp hội Nhựa Việt Nam xây dựng và sửa đổi định mức sử dụng năng lượng trong ngành công nghiệp nhựa, góp phần thực thi tuân thủ quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Hiện nay, quy định định mức tiêu hao năng lượng của ngành nhựa được thực hiện theo Thông tư 38/22016/TT-BCT và Văn bản hợp nhất 26/VBHN-BCT. Tuy nhiên, ngành nhựa ngày càng phát triển nhanh, chiếm 12,83% tổng mức năng lượng của ngành công nghiệp năm 2020, đòi hỏi cần phải có quy định mới cập nhật, sửa đổi định mức phù hợp với thực tế của ngành và nhu cầu của thị trường, nhằm triển khai kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. 
Đề xuất quy định định mức tiêu hao năng lượng đối với các danh mục cụ thể của ngành nhựa. 
Tại tọa đàm, bà Nguyễn Thị Như Vân, đại diện Công ty Giải pháp Công nghệ Việt Nam (VETS) đã trình bày về quy định định mức tiêu hao năng lượng trong ngành nhựa. Theo đó, công ty đã thực hiện gửi phiếu khảo sát cho hơn 1000 doanh nghiệp nhựa từ năm 2017-2019. Tuy nhiên, chỉ có 279 doanh nghiệp phản hồi, với 254 doanh nghiệp đủ điều kiện dữ liệu (chiếm 8,47% tổng số doanh nghiệp nhựa năm 2020).
Thông qua kết quả khảo sát, VETS đã đề xuất các định mức tiêu hao năng lượng cụ thể cho từng nhóm sản phẩm ngành nhựa từ Nhựa bao gói – Túi, Nhựa bao gói – Chai, Nhựa bao gói – Bao bì, Nhựa xây dựng, Nhựa gia dụng – kỹ thuật, và một số sản phẩm nhựa khác.
Chương trình cũng dành nhiều thời gian để các đại biểu tập trung làm rõ các mục tiêu, yêu cầu và nội dung Dự thảo định mức sử dụng năng lượng trong ngành nhựa. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch để phát triển kế hoạch Dự thảo.
Các đại biểu tham gia Chương trình. 
Hoàng Dương 

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025

Văn phòng BQL dự án Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch
Địa chỉ: Phòng 318, Tầng 3, Nhà B, 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 2220 5528

© DEPP 3 | 2021