Hoạt động

Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng

14:31 - 22/01/2024

Kinh nghiệm và chuyên môn từ một trong những quốc gia sản xuất năng lượng tái tạo hàng đầu thế giới có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam trong bối cảnh cần phải tạo lập một khung pháp lý rõ ràng và minh bạch.

Đan Mạch, quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo trên toàn cầu, hiện đang hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh các kế hoạch năng lượng tái tạo hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Chuyên gia Việt Nam và Đan Mạch tại hội thảo “Tăng cường tính linh hoạt trong vận hành các nhà máy điện tại Việt Nam" được tổ chức ngày 28/7/2023. Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam
Đây là ý kiến của ông Rasmus Munch Sørensen – Cố vấn dài hạn Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (Chương trình DEPP).
Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch chính thức thiết lập quan hệ đối tác năng lượng thông qua việc ký kết Hiệp định Chương trình DEPP giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương. Giai đoạn 3 của chương trình (từ 2020 – 2025) hiện đang được tiếp tục triển khai.
“Trọng tâm của chương trình hợp tác là nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Đan Mạch về chuyển đổi xanh và hỗ trợ Chính phủ, các ngành công nghiệp và các cơ quan phụ trách điều độ hệ thống điện tại Việt Nam trong việc bảo đảm quá trình chuyển đổi xanh một cách nhanh chóng, hiệu quả và đáng tin cậy, phù hợp với mục tiêu quốc gia về giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, ông Rasmus Munch Sørensen chia sẻ với tờ Hanoitimes.
Một số phiên bản Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam đã được công bố trong khuôn khổ quan hệ hợp tác với Đan Mạch
Hình mẫu
Là một quốc gia nhỏ nằm ở khu vực Bắc Âu với dân số 6 triệu người, trong 30 năm qua, Đan Mạch đã nỗ lực thực hiện quá trình chuyển đổi xanh nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu và phát thải khí nhà kính.
Sự nỗ lực này đã dẫn tới kết quả ngày hôm nay, khi mà năm 2023, điện mặt trời và điện gió đã có thể cung cấp tới 64% tổng lượng điện tiêu thụ của Đan Mạch. Thậm chí với tỷ lệ điện năng lượng tái tạo biến đổi cao kỷ lục này, Đan Mạch vẫn bảo đảm an ninh cung cấp điện ở mức rất cao, trên 99,99% và giá điện thấp hơn trung bình châu Âu.
“Đan Mạch là minh chứng sống cho việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với tỷ lệ rất cao mà không đe dọa tới an ninh cung ứng và tính khả dụng. Chia sẻ nhiều kinh nghiệm kỹ thuật và quy định trong quá trình chuyển đổi xanh này là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ Đan Mạch.” – ông Rasmus Munch Sørensen cho biết.
Năm 1970, hệ thống năng lượng của Đan Mạch chủ yếu dựa vào dầu hóa thạch. Chính vì thế, quốc gia này đã chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, từ đó làm xuất hiện các mục tiêu chính trị đầy tham vọng là đa dạng hóa và trở nên ít phụ thuộc hơn vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Họ bắt đầu xây dựng các kế hoạch năng lượng dài hạn và đầu tư vào phát triển nhiều công nghệ năng lượng. Một trong số đó là thiết kế tuabin gió 3 cánh hiện đại.
Như vậy, quy hoạch năng lượng dài hạn, tua bin gió cùng với các nhà máy nhiệt điện và thủy điện linh hoạt, hiệu quả năng lượng là ba nền tảng trong quá trình chuyển đổi tại Đan Mạch, rất phù hợp để ứng dụng tại Việt Nam.
Quá trình chuyển đổi này không diễn ra chỉ sau một đêm ở Đan Mạch. Ban đầu, ngành điện Đan Mạch có quan niệm chung rằng, năng lượng gió chỉ có thể cung cấp 5-10% lượng điện do không thể kiểm soát được sức gió. Năm 2023, con số này đã tăng lên 64% và ngày nay, không ai nói về giới hạn trên vì thậm chí còn nhiều tham vọng muốn tăng con số này lên đáng kể trong những năm tới.
Ông Rasmus Munch Sørensen, Cố vấn dài hạn, Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch (Chương trình DEPP).
Bài học cho Việt Nam
Ở Đan Mạch, từ những năm 1980, tăng trưởng kinh tế đã tách rời khỏi mức tăng tiêu thụ năng lượng. Điều này có nghĩa là mặc dù nền kinh tế tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm nhưng mức tiêu thụ năng lượng lại không tăng chút nào trong cùng thời kỳ.
Sự tập trung mạnh mẽ vào các chính sách tiết kiệm năng lượng, cùng với chiến lược rõ ràng để sử dụng tối ưu các nhà máy điện và tài nguyên thủy điện trong khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi xanh ở Đan Mạch. Những chiến lược này cũng có thể được chuyển giao trực tiếp sang Việt Nam.
Giống như châu Âu và Mỹ, tại Việt Nam, gió và mặt trời sẽ sớm trở thành công nghệ sản xuất điện rẻ nhất, khiến quá trình chuyển đổi trở nên ít tốn kém hơn.
Để điều này trở thành hiện thực tại Việt Nam, ông Rasmus Munch Sørensen đã đề xuất ba điều mà ông cho rằng là “sống còn”. Đó là thiết lập các quy định rõ ràng và minh bạch về quy trình phê duyệt, điều kiện thị trường và yêu cầu lập kế hoạch cho các dự án mới. Một điều quan trọng khác là xác định nhu cầu về giáo dục và chia sẻ kiến thức trong lĩnh vực năng lượng, đồng thời đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi xanh mang lại việc làm tại địa phương để thay thế những việc làm bị mất trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Cuối cùng, điều quan trọng là Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng và đầy tham vọng về việc ngừng hoạt động các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vì vậy cần phải chuẩn bị các kế hoạch cần thiết để thay thế điện tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo và đường dây điện mà không làm ảnh hưởng tới nguồn cung cấp điện cho người tiêu dùng.
“Những thách thức này không phải đặc biệt đối với riêng Việt Nam mà chính chúng tôi cũng đã từng gặp phải những thách thức này ở Đan Mạch ở nhiều thời điểm khác nhau trên hành trình chuyển đổi xanh. Không có giải pháp nào có thể khắc phục được tất cả vấn đề. Và mặc dù trong quá trình thực hiện chuyển đổi chắc chắn sẽ mắc phải nhiều sai lầm, nhưng một bài học quan trọng ở Đan Mạch là quyết tâm chính trị mạnh mẽ và quyết tâm hướng tới mục tiêu cuối cùng sẽ dẫn đến những kết quả tích cực.” - ông Rasmus Munch Sørensen nhấn mạnh.
Chuyên gia Đan Mạch khẳng định: “Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi từ những tầm nhìn đầy tham vọng và những nỗ lực lớn lao; ngay cả khi những người hoài nghi sẽ thách thức rằng nó tốn kém hoặc thậm chí không thể thực hiện được trong thời gian ngắn.”
Ông Rasmus Munch Sørensen cho biết, việc Việt Nam phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch đeiẹn VIII) vào năm 2023 đã tạo tiền đề cho một số thay đổi cần thiết để đạt được các mục tiêu của Việt Nam, và Đan Mạch mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hành trình đầy thử thách nhưng cần thiết này.
Trang trại gió Anholt ở Biển Bắc của Đan Mạch. Nguồn: Recharge
Source: Source: hanoitimes.vn, translted by Ngoc Diep

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020-2025

Văn phòng BQL dự án Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch
Địa chỉ: Phòng 318, Tầng 3, Nhà B, 54 Hai Bà Trưng, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 024. 2220 5528

© DEPP 3 | 2021